Từ Dũ (có sách chép là Từ Dụ) có tên thật là Phạm Thị Hằng, sinh năm 1810 tại giồng Sơn Quy, nay thuộc xã Long Thuận, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Thân phụ của bà là Thượng thư bộ Lễ Phạm Đăng Hưng – một đại công thần của triều Nguyễn. Bà là hoàng phi của vua Thiệu Trị và là người hạ sinh ra hoàng tử Nguyễn Phúc Hồng Nhậm; sau này là vua Tự Đức.
Vốn là người thông tuệ,
bà rất chú trọng đến việc giáo dục vua Tự Đức, nhất là đạo làm vua, đạo làm
người. Trong việc dùng người của vua Tự Đức, bà thường nhắc nhà vua phải trọng
dụng những người có đức, có tài, mẫn cán tận tụy, hết lòng vì nước vì dân.
Mặc dù ở ngôi cao, nhưng
bà là một phụ nữ rất khiêm tốn. Bà luôn tìm cách từ chối những danh hiệu và
nghi lễ tôn vinh dành riêng cho mình. Các lễ chúc thọ ngũ tuần (50 tuổi), lục
tuần (60 tuổi); lấy lý do là mùa màng thất bát, dân còn nghèo khổ, bà không cho
triều đình tổ chức. Trong cuộc đời của mình, bà chỉ có hai lần tấn tôn mỹ hiệu;
mà hai lần đó đều nằm trong tình thế chẳng đặng đừng. Đó là năm 1848, khi vua
Thiệu Trị băng hà, hoàng tử Hồng Nhậm lên ngôi, tấn phong bà là “Từ Dũ Bác huệ
Thái hoàng thái hậu”. Lần thứ hai, năm 1890, trong dịp chúc thọ bát tuần (80
tuổi), bà được vua Thành Thái tấn phong tôn hiệu là “Từ Dũ Bác huệ Khương thọ
Thái thái hoàng thái hậu”.
Nghiêm khắc với bản thân
và con cái, nhưng bà lại rất thương dân. Năm 1898, do thiên tai nên dân ở nhiều
nơi bị đói kém. Cảm thông với nổi khổ của dân, bà đứng ra xin miễn, giảm thuế
cho họ. Hiện nay, ở Huế còn lưu truyền bài vè dài đến 700 câu ca ngợi công đức
đó của bà.
Năm 1902, bà mất tại kinh
thành Huế, thọ 92 tuổi. Triều thần tôn thụy bà là “Nghi thiên Tán thánh Từ Dũ
Bác huệ Trai túc huệ đạt Thọ đức Nhân công Chương hoàng hậu”, gọi tắt là “Từ Dũ
Nghi thiên Chương hoàng hậu”.
TS.
Nguyễn Phúc Nghiệp