Nằm
ở hạ lưu sông Tiền, Thới Sơn có diện tích khoảng 1.200 ha. Toàn xã Thới Sơn là
một vùng chuyên canh cây ăn trái, quanh năm được phù sa bồi đắp. Theo anh Huỳnh
Văn Phương, Giám đốc Sở Thương mại - Du lịch Tiền Giang, từ những năm 90 của
thế kỷ trước, Tiền Giang đã chủ trương phát triển du lịch theo phương châm
"Nhà nước và nhân dân cùng làm" để khai thác hiệu quả tiềm năng sẵn
có tại địa phư ơng. Công ty Du lịch Tiền Giang đầu tư năm tỷ đồng xây dựng các
công trình cơ sở hạ tầng ở các điểm du lịch chính. Các hộ dân trong khu vực đã
đóng góp mặt bằng, nhà cửa và hơn 100 chiếc đò với tổng trị giá hơn 20 tỷ đồng.
Cách tổ chức du lịch theo mô hình này đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách, đồng
thời huy động được vốn và các tiềm lực khác trong dân. Phát triển du lịch ở cù
lao Thới Sơn góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập và nâng cao mức sống.
Hiện nay, số hộ giàu, khá ở Thới Sơn chiếm tỷ lệ 78%, chỉ còn 2,7% số hộ nghèo.
Sự hấp dẫn, quyến rũ của Thới Sơn ở chỗ, đến mảnh đất này, người ta sẽ quên sự
ồn ào, bí bức của phố phường. Khách đến Thới Sơn, xuống đò chèo xuôi theo những
con rạch ngoằn ngoèo giữa hai hàng dừa nước rậm rạp, giữa hàng thủy liễu ven
sông luôn nghiêng mình ngả bóng đón chào. Nếu muốn tản bộ, sẽ theo những con
đường đá uốn lượn, băng qua những vườn cây trái xum xuê. Khách có thể ngồi
trong những nhà vườn nhấm nháp tách trà mật ong thơm ngọt và lắng nghe đàn ca
tài tử. Đêm Thới Sơn thật huyền diệu với đầy trăng, gió, sóng nước mênh mang.
Khách có thể đi thuyền trên sông, ngắm trăng lên, hoặc cùng bạn ngồi đối ẩm
trong tiếng ca mượt mà, sâu lắng của thôn nữ.
Những ngôi nhà của 6.000 người dân Thới Sơn vẫn giữ được nét cổ kính, nguyên
sơ. Ðiểm du lịch của nhà ông Tám Cho là một tiêu biểu về kiểu nhà xưa. Ngôi nhà
của ông được xây dựng với hàng cột gỗ căm xe; mỗi mái nhà có chín cây đòn tay
bố trí theo thuật phong thủy: Kiên - Trừ - Mãn - Bình - Định - Chấp - Phá -
Nguy - Thành. Trong nhà, cách bài trí cũng theo phong cách cổ với chiếc tủ thờ
cẩn xà cừ lóng lánh, tràng kỷ chạm trổ tinh vi, cùng với đôi liễn chạm câu đối
sơn son thếp vàng... Chung quanh nhà là vườn hoa cảnh với nhiều cây bon-sai
được trồng tỉa công phu. Đến Thới Sơn, khách được tham quan cách làm kẹo dừa
bằng phương pháp thủ công, mua những đồ mỹ nghệ, đồ dùng sinh hoạt gia đình làm
từ cây dừa. Bên cạnh chương trình du lịch sinh thái, người dân Thới Sơn còn giới
thiệu với khách về văn hóa ẩm thực với các món ăn: cá nướng, lẩu cá kèo, cá lóc
hấp bầu, cá tai tượng chiên xù...
Năm 1995, Thới Sơn đón hơn 40.000 lượt khách, năm 1996 đón khoảng 80.000 lượt
khách, năm 1997 đón 120.000 lượt và năm 2001 đón khoảng 200.000 lượt khách
trong đó 65% là khách nước ngoài. Cô Lê Trang, một người kinh doanh du lịch ở
Thới Sơn cho biết, Thới Sơn thu hút được khách là nhờ chương trình, sản phẩm du
lịch sinh thái ngày càng đa dạng, hoàn chỉnh và cách phục vụ chu đáo. Thới Sơn
đang trở thành điểm thu hút khách đến Tiền Giang.
Theo kế hoạch, từ năm 2002 đến năm 2005, Công ty Du lịch Tiền Giang tiếp tục
đầu tư năm tỷ đồng để xây dựng cù lao Thới Sơn thành làng du lịch. Khách sẽ có
dịp tham quan những làng nghề truyền thống với các công cụ lao động, thô sơ,
được phục chế. Bên cạnh, Thới Sơn mở rộng hơn nữa các điểm du lịch vệ tinh ở
các hộ dân; trồng cây ăn trái nhiều chủng loại, đủ cung cấp quanh năm cho du
khách. Ðồng thời, vận động nhân dân giữ lại các dụng cụ sinh hoạt bình dị, truyền
thống như: bát sành, chén đá, đũa tre, đũa dừa, bình tích đựng nước trong vỏ
dừa... Thới Sơn là làng du lịch xanh đặc trưng của vùng sông nước Cửu Long với
vườn cây, trời nước và tấm lòng hồn hậu, hiếu khách của người dân Nam Bộ.
Từ bến phà 30-4, chúng tôi lại xuống thuyền đi thăm cồn Lân và ăn trái cây.
Thuyền cập vào một bến nhỏ, anh hướng dẫn viên đưa chúng tôi len lỏi qua những
khu vườn mướt xanh với đủ loại cây: sapoche, nhãn, chuối, sầu riêng... quả treo
lủng lẳng.
Khác với những ngôi nhà vườn nổi tiếng ở Huế, thường là nhà vườn văn hóa, vườn
ở đây là vườn kinh tế. Người dân Nam Bộ gắn bó cả đời mình với sông nước, vườn
cây cũng vậy, nước sông theo các con rạch nhỏ chảy vào từng khu vườn, từng gốc
cây. Người ta trồng cây theo hàng như những ô trên bàn cờ, dưới các hàng cây là
hệ thống mương rạch rộng độ 5m, lan tỏa khắp vườn. Lúc triều lên nước sông chảy
vào vườn khiến du khách có cảm giác cá nhảy lên cả vườn cây. Lúc triều xuống,
nước lại đổ ra sông, lòng mương chỉ còn xâm xấp nước và một màu phù sa đỏ
quánh. Cũng nhờ lớp phù sa này mà cây trái nơi đây quanh năm cho trái ngọt.
Chúng tôi được mời đến một khu vườn do công ty du lịch Tiền Giang bỏ vốn đầu tư
nâng cấp. Nhiều khách nước ngoài đang ngồi ăn trái cây ở đó. Mùa nào thức nấy
nhưng thông thường chủ vườn sẽ mời khách ăn 6 loại trái cây: thơm, chuối, thanh
long, sapôchê, chôm chôm, nhãn. Khách ăn không hết, chủ vườn bỏ vào trong túi,
trao lại cho khách với lời cám ơn và câu chào: "see you again" rất
ngọt ngào.
Chúng tôi được mời ăn trưa trên một cù lao khác cách cồn Lân khoảng 20 phút đi
thuyền, cồn Thới Sơn. Nơi đây có một garden restaurant rất đẹp. Song cái hấp
dẫn tôi nhất lại không ở kết cấu của cái nhà hàng "thập nhị giác" này
mà ở món cá tai tượng chiên xù và những bộ đồ bà ba trắng, đen của các cô phục
vụ. Tiếp viên của nhà hàng mặc đồng phục bà ba trắng, quần lụa đen nhẹ nhàng đi
giữa các hàng ghế, lúc thêm chút mắm, khi gắp ngọn rau nhút đặc sản vào bát du
khách, lúc lại lúng liếng cười duyên khiến thực khách chưa ăn đã thấy ngon.