Hỗ Trợ Trực Tuyến
tiendatdongphuong giamdocdonghanhviettravel dieuhanhdonghanhviet
tiendatdongphuong giamdocdonghanhviettravel tiendatdongphuong

Translate

TOUR PHỔ BIẾN

Đứng trên cầu Rạch Miễu, nghĩ về “Tứ linh”


Rất khó có cây cầu nào như cầu Rạch Miễu. Đứng trên cầu mà hướng về biển Đông sẽ bắt gặp bốn cù lao “chụm đầu” lại, hợp thành “Tứ linh” giữa sông nước mênh mông. Khen ai khéo đặt tên cồn để có được một bộ “Tứ linh”: Long, Lân, Quy, Phụng. Mỗi cù lao đều có nét đặc thù, mang sắc thái riêng tạo nên một quần thể sinh động.
Vừa hết đoạn dây văng, cầu Rạch Miễu đổ xuống cồn Lân, còn gọi là cù lao Thới Sơn. Nhìn lên bản đồ, cù lao Thới Sơn như thể “long chầu” trong cung đình Huế. Thới Sơn đang sở hữu bốn cái “nhất”: tuổi đời cao nhất, diện tích lớn nhất, cũng được coi là đẹp và hài hòa nhất trong “Tứ linh”. Lịch sử mở đất của Thới Sơn thật hào hùng. Có thể nói mỗi mảnh vườn, con rạch Thới Sơn đều ghi dấu chiến công của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ tiêu diệt 5 vạn quân Xiêm. Sang thế kỷ XX, nơi đây lại ghi đậm chiến công của các “dũng sĩ diệt Mỹ” trên vành đai Bình Đức nổi tiếng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước
Cồn Lân
Đất Thới Sơn màu mỡ, con người Thới Sơn hiền hòa, cần cù, chân chất cùng với bàn tay khéo léo luôn tạo nên một diện mạo mới. Đến Thới Sơn không chỉ ngắm nhìn cảnh sắc miệt vườn, thưởng thức hương vị ngọt ngào của cây trái xứ cồn, mà còn chiêm ngưỡng những công trình mà người dân nơi đây gìn giữ từ thuở khai hoang, lập ấp. Dẫu trải qua bao tháng năm mưa bom, bão đạn, nhưng ngôi nhà chữ đinh theo phong cách cổ xưa, cùng với vật dụng trong nhà được khảm xà cừ tinh xảo, sắc màu lấp lánh, đôi liễn sơn son, thiếp vàng của Nguyễn Văn Vinh vẫn còn đó, thách thức thời gian.
Đến Thới Sơn còn là để được thưởng thức rượu mật ong, cùng tấm lòng đôn hậu của người phụ nữ với chiếc áo bà ba, khăn rằn quấn cổ, chèo xuồng trên sông rạch, đưa khách đến những làng nghề truyền thống như đan len, thêu thùa, cùng nhịp nhàng tát mương bắt cá với khách… một hoạt động thường nhật của người dân Nam bộ, luôn chân thành, quyến rũ. Đến đây còn có nhiều loại hình giải trí đậm nét chân quê, dân dã như nhảy dây, nhảy kẹng, đu quay,… rõ nét văn minh miệt vườn. Quả là thú vị.

Nằm kế cạnh cồn Lân là cồn Phụng, còn gọi là cù lao Tân Vinh, nơi có di tích đạo Dừa do Nguyễn Thành Nam lập nên từ những năm 60 thế kỷ XX. Tuy đạo Dừa có một triết lý mơ hồ, lạc lỏng và tự cho mình là “vua nhà Nguyễn tái sinh”, nhưng cũng để lại một số công trình như chiếc bình được cẩn những mảnh sành sứ, một cái sân rồng tượng trưng cho chín cửa sông Cửu Long, rồi những chiếc tháp cao, những mô hình núi non, hang động hợp thành một quần thể kiến trúc khá tinh xảo, khó quên. Bàn tay khéo léo của những người thợ năm xưa thật đáng khâm phục.
Trong “Tứ linh”, chỉ có cồn Thới Sơn và cồn Phụng là có đờn ca tài tử. Nếu như ở Thới Sơn du khách có thể tận hưởng những thanh âm mượt mà, sâu lắng từ tiếng đàn, lời ca qua dòng nhạc tài tử của gia đình ông Nguyễn Văn Du có đến 5 thế hệ nối tiếp nhau cứ “ngọt lịm” như hương vị cây trái của xứ cù lao, thì ở cồn Phụng, những câu hò, điệu lý như âm vang, mặn mà thêm từ ngón tay, giọng hát điêu luyện của các tài tử mang về từ nhiều miền quê khác nhau của Bến Tre, có cùng đam mê một loại hình nghệ thuật của cha ông và cách duy trì một nền âm nhạc cổ truyền của dân tộc, được phát ra từ một hang đá nhân tạo mát lạnh bởi làn gió trong lành miền sông nước.
Ở cồn Phụng cũng có nhà hàng, nhà nghỉ. Khu giải trí với phong cảnh hài hòa, độc đáo. Cồn Phụng còn có bánh tráng Mỹ Lồng, đặc sản của Bến Tre. Khách sẽ trực tiếp chứng kiến, thậm chí tham gia từ khâu chọn gạo, nạo dừa, cùng với bàn tay khéo léo, không ít điệu nghệ của người xứ dừa tráng bánh, phơi bánh vừa mỏng vừa tròn, đẹp lại vừa ngon, ngọt.
Nếu như người Bến Tre tự hào về dừa, thì dân cồn Phụng chính là người đi tiên phong làm cho cây dừa tăng thêm giá trị. Xót xa thấy thân dừa ngã xuống vì bom đạn, họ đã “tận dụng” nó để làm đũa ăn, đũa bếp phục vụ con người. Từ khung cảnh thơ mộng trên cồn Phụng đã hình thành một “làng” nghề thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu dừa, nhanh chóng lan rộng khắp Bến Tre và không ngừng lớn mạnh. Cùng với bàn tay của hàng ngàn nghệ nhân xuất thân từ nông dân giàu sáng tạo, những sản phẩm xinh xắn có thể sử dụng trong nhà bếp cho đến trang trí phòng ngủ, phòng khách, từ nhà ở bình dân đến khách sạn sang trọng, từ trong nước ra nước ngoài. Đi đâu cũng thấy cây dừa phục vụ cho đời, với nét tinh xảo kết tinh từ tình người, tình đất Bến Tre, không ngừng tô đẹp thêm cho sắc diện quê hương.
Thiên nhiên lại khéo sắp đặt khi hai đầu cồn Thới Sơn và cồn Phụng hướng về cồn Rồng, phía xa bên kia của sông Tiền, người đời gọi là cù lao Tân Long. Cù lao Tân Long hình thành đã lâu, nhưng chỉ được khai thác chừng trăm năm nay. Để tránh bom đạn trong chiến tranh, người Bến Tre đã đến đây sinh sống, và ngày nay Tân Long trở thành đơn vị hành chánh của thành phố Mỹ Tho thuộc tỉnh Tiền Giang. Ngoài vườn cây trái, Tân Long cũng nuôi cá bè như những cồn khác trong “Tứ linh”. Khác hẳn là ở bờ Bắc, có cảnh quan nhộn nhịp bởi đội tàu đánh cá trên vùng biển phía Nam, thay nhau neo đậu che kín cả một đoạn mặt sông. Tàu của người Tân Long thì ít, đa phần là tàu của bà con khắp nơi. Sở dĩ càng nhiều tàu cặp bến Tân Long là vì nơi đây lòng sông sâu và rộng, ít sóng gió và gần cảng cá Mỹ Tho. Nhưng trên tất cả vẫn là lòng người, cùng bàn tay khéo léo của người thợ Tân Long sửa chữa ghe tàu. Nếu như đàn ông bận rộn cho việc sửa máy, tu bổ thân tàu, thì người phụ nữ lại luôn tay vá lưới, kết phao trên những boong tàu. Lời qua tiếng lại líu lo như chim hót, cùng với tiếng búa cọc cọc, tiếng cưa rào rào,… cả ngày lẫn đêm, không khác gì một bản nhạc mang âm hưởng lâu ngày thành quen, không nghe thì khó mà ngủ được.
Cồn Phụng
Tân Long còn có lợi thế về nghề nuôi thủy sản. Cù lao hiện có trên 500 bè cá, đủ các loại có giá trị như cá chép, điêu hồng, cá tra, rô phi. Chỉ cần 50 - 60 m2 bè, mỗi năm sẽ thu về gần 10 tấn cá. Một nguồn lợi lớn.
Người em út trong “Tứ linh” là cồn Quy, mới được khai phá từ những năm 60 của thế kỷ XX, vẫn còn dấu vết hoang sơ, nhưng không kém phần hấp dẫn đối với du khách. Đâu có mảnh đất nào mà không có nghĩa tình của những bàn tay lao động. Những cảnh sắc quyến rũ của quá trình mở mang khai phá mảnh đất này vẫn còn lưu giữ, cùng với con người cần cù, phóng khoáng và đất đai màu mỡ, đã làm từng mầm cây trở thành những khu vườn quả ngọt, trái say.
Cồn Quy nổi danh vì cây trái có hương thơm đặc biệt. Nhãn hồng, nhãn tiêu cơm dày ngọt lịm. Khi đến mùa nhãn trổ hoa, người cồn Quy thanh thản vui với đàn ong kêu chăm chỉ. Dù chỉ nuôi nghiệp dư, ong cồn Quy vẫn cần mẫn chắt lọc hương vị đậm đà của hoa, những gì tinh túy của nắng, của gió và phù sa tặng lại cho con người, một thùng cũng được vài lít mật mỗi mùa. Người cồn Quy gắn với vườn cây và con rạch. Họ sẵn lòng giới thiệu khách phương xa những món ăn đậm đà hương vị đồng quê. Ngoài uống nước dừa tại gốc, còn có nhãn, có mận, có cam, quít, bưởi quanh năm, là món tôm càng xanh nướng, luộc, làm gỏi tự thích cùng với tấm lòng đôn hậu của người dân nơi đây, sẽ níu khách lại bởi một tình cảm ấm cúng trong gia đình.
Đi sâu vào ba dãy cù lao, Bến Tre còn có những vườn cây trái ở Cái Mơn, Sơn Định, Vĩnh Bình (Chợ Lách) hay Tiên Long, Tiên Thủy, Tân Phú (Châu Thành) cứ như quấn lấy chân người. Vườn chim Vàm Hồ, khu rừng Liệt Địa ở Ba Tri, du khách thỏa thích tận hưởng những gì còn hoang dã. Và chỉ cần qua Cống đập Ba Lai, xuôi về Thừa Đức, tha hồ ngâm mình trong nước biển Đông. Bến Tre còn có các danh nhân như nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu; tiến sĩ đầu tiên Nam kỳ lục tỉnh Phan Thanh Giản; nhà giáo Võ Trường Toản; chí sĩ Phan Văn Trị; nhà bác học Trương Vĩnh Ký; nữ tướng Nguyễn Thị Định, … Còn có khu lưu niệm Đồng Khởi và đầu cầu của chuyến tàu không số chở vũ khí từ Bắc vào Nam. Về những nơi này sẽ biết thêm tình người, tình đất Bến Tre thủy chung, sâu lắng và nồng thắm.
Ngày 19-1-2009, cầu Rạch Miễu đã chính thức được đưa vào sử dụng, sẽ xóa đi cảnh ngăn sông cách trở của Bến Tre, là điều kiện để cho tỉnh phát triển thuận lợi hơn. Nhưng khi đường cao tốc từ thành phố Hồ Chí Minh về miền Tây đưa vào vận hành và cùng vài thứ khác nữa, lúc ấy Bến Tre mới thật sự trở thành “lá phổi” lý tưởng cho thành phố và các khu công nghiệp trong những ngày nghỉ cuối tuần, ngày lễ, ngày tết.