Đó là trường trung học phổ thông Nguyễn Đình Chiểu. Nguyên thủy trường có tên là Collège de Mitho được thành lập ngày 17 - 3 - 1879. Năm 1942, trường đổi tên thành trường Collège Le Myre de
Vilers. Năm 1953 trở về sau, trường được mang tên nhà yêu nước Nguyễn Đình Chiểu.
Lúc mới ra đời, trường có
một dãy nhà trệt dùng làm văn phòng; song song đó là dãy lầu một tầng, được
dùng làm phòng học ở tầng trệt và phòng ngủ cho học sinh ở tầng lầu. Giữa hai
dãy nhà đó, có một căn nhà nằm đơn độc, được dùng làm phòng thí nghiệm.
Đến năm 1918, trường được
xây cất thêm hai dãy lầu nữa ở về phía bắc và phía nam. Về sau, công việc xây
dựng trường sở vẫn được tiếp tục. Hiện nay, trường THPT Nguyễn Đình Chiểu có
một hệ thống phòng học khá hoàn chỉnh và hiện đại nhằm đáp ứng yêu cầu dạy và
học của hơn một trăm giáo viên và hàng ngàn học sinh của cấp trung học phổ
thông.
Với đội ngũ giáo viên có
tâm huyết, trường đã đào tạo được nhiều học sinh giỏi cho đất nước. Nhiều trí
thức nổi tiếng đều xuất thân từ ngôi trường này, tiêu biểu như Phạm Hùng (cố
Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng), Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát (cố Phó chủ tịch Hội
đồng Nhà nước), Giáo sư Viện sĩ Trần Đại Nghĩa (ông được phong tướng trong đợt
phong tướng đầu tiên của Quân đội ta năm 1948, được tôn vinh là “Anh Cả” của
ngành Quân giới VN và đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng của chính phủ), Bác sĩ
Nguyễn Văn Hưởng (cố Bộ trưởng Bộ Y tế), v.v… Đồng thời, trường có truyền thống
đấu tranh cách mạng rất hào hùng. Từ 1925 – 1929, phong trào yêu nước của học
sinh phát triển rất rầm rộ. Năm 1930, chi bộ Đảng của nhà trường được ra đời.
Đây là một trong những chi bộ đầu tiên của Đảng bộ Tiền Giang. Trong công
cuộc giải phóng dân tộc, nhiều học sinh của trường đã “xếp bút nghiên”, tham
gia kháng chiến, góp phần vào thắng lợi của toàn dân tộc.
Với bề dày truyền thống
“Cách mạng – Dạy giỏi – Học giỏi”, năm 2000, trường vinh dự được Nhà nước phong
tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng Lao động”.
TS.
Nguyễn Phúc Nghiệp