Đó là cuộc khởi nghĩa do Trương Định lãnh đạo. Ông sinh năm 1820 tại xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.
Năm 1854, ông lập đồn
điền Gia Thuận (Gò Công) để khai hoang vùng đất này. Vì thế, ông được phong
chức Phó quản cơ. Năm 1859, ông chỉ huy dân quân đồn điền đánh Pháp ở mặt trận
Thuận Kiều, lập được nhiều chiến công. Do đó, năm 1860 được thăng làm Quản cơ.
Cuối tháng 2 - 1861,
ông rút quân về Gò Công, thành lập căn cứ kháng chiến Tân Hòa. Đây là trung tâm
kháng chiến mạnh nhất ở Nam kỳ hồi bấy giờ, quy tụ hầu hết các phong trào yêu
nước của cả khu vực. Từ đây, nghĩa quân đã liên tục tấn công quân địch khiến
bọn chúng phải rút khỏi Gò Công vào tháng 3 - 1862. Đến tháng 6 -
1862, triều đình phong ông làm Lãnh binh tỉnh An Giang; đồng thời, buộc ông phải
giải tán nghĩa quân và chấm dứt cuộc chiến đấu ở Gò Công. Thế nhưng, ông đã
cưỡng lại lệnh vua; theo lòng dân, ở lại Gò Công, tự xưng là Bình Tây Đại tướng
quân, tiếp tục chỉ huy cuộc kháng chiến; và nghĩa quân đã thu được những thắng
lợi vang dội; nổi bật là cuộc tổng công kích nổ ra rất mãnh liệt trong tháng 12
– 1862, với các trận đánh vào đoàn tàu chiến của Pháp trên sông Vàm Cỏ (Trảng
Bàng, Tây Ninh), các trận công đồn Rạch Tra, cách Sài Gòn 15 km, đồn Phước Hòa,
đồn Rạch Kiến, đồn Bến Lức (Long An), đồn Long Thành (Đồng Nai), trận đánh pháo
thuyền Alarme và khu pháo binh ven rạch Gò Công (Tiền Giang),v.v…
Trước tình hình đó, tháng
2 - 1863, thực dân Pháp đã huy động lực lượng hùng hậu tấn công căn cứ Gò
Công. Để bảo toàn lực lượng, ông cho rút quân qua Lý Nhơn (nay thuộc huyện Cần
Giờ, TP Hồ Chí Minh), lập căn cứ mới. Tháng 9 - 1863, quân Pháp mở cuộc
đột kích vào căn cứ Lý Nhơn. Nghĩa quân phải phá vòng vây, trở về vùng Gò Công
và chọn khu vực Đám lá tối trời ở hai làng Tân Phước và Kiểng Phước làm nơi ẩn
náu, chờ thời cơ mới.
Ngày 20 - 8 -
1864, tên tay sai của Pháp là Huỳnh Văn Tấn dẫn một toán quân bí mật bao vây
nơi của ông. Sau một lúc chiến đấu, ông thoát được ra ngoài; nhưng bị địch bắn
theo và anh dũng hy sinh.
Lăng mộ và đền thờ của
ông hiện tọa lạc tại thị xã Gò Công, Tiền Giang.
TS.
Nguyễn Phúc Nghiệp