Hỗ Trợ Trực Tuyến
tiendatdongphuong giamdocdonghanhviettravel dieuhanhdonghanhviet
tiendatdongphuong giamdocdonghanhviettravel tiendatdongphuong

Translate

TOUR PHỔ BIẾN

Đường xe lửa Sài Gòn-Mỹ Tho xưa


Đường xe lửa Sài Gòn-Mỹ Tho xưa
“Ngày xưa, người Pháp mở tuyến đường xe lửa Sài Gòn-Mỹ Tho với mục tiêu là nối liền tuyến xuyên Việt và ý định kéo dài sang tận PhnomPenh, Campuchia.” Bác Tân Văn Công, 80 tuổi, làm nghề dạy học tại Mỹ Tho từ năm 1943, nhớ lại. Lý do mở tuyến xe lửa nầy, theo bác, vì thời đó Mỹ Tho là đầu mối trung chuyển hàng hóa cho Sài Gòn và Nam Kỳ lục tỉnh, do các tỉnh miệt dưới như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng... đường bộ gặp trở ngại vì phải qua 2 con sông Hậu và sông Tiền. Có lẽ cũng vì trở ngại đó mà đường xe lửa chỉ tới Mỹ Tho và nhà ga chót dừng lại ở đầu đường Trưng Trắc, bên bờ sông Tiền, gần vườn hoa Lạc Hồng hiện giờ. Hồi đó, ga xe lửa nằm trong dãy nhà ngói xưa, cất theo kiểu Pháp (chỗ sau nầy là nhà sách) cùng với hệ thống phòng trọ và dịch vụ kéo dài đến chỗ Bưu điện Mỹ Tho ngày nay.
Nằm cạnh ga xe lửa còn có bến tàu với “3 cầu tàu lục tỉnh”. Toàn bộ hành khách và hàng hóa từ Sài Gòn đi xe lửa tới Mỹ Tho sẽ xuống tàu đi lục tỉnh và ngược lại, hành khách và sản vật, cây trái từ lục tỉnh đi bằng tàu tới Mỹ Tho cũng lên xe lửa rồi đi tiếp về Sài Gòn. Cũng vì vậy mà Mỹ Tho xưa được xem là “đầu mối trung chuyển.” Vào thời đó ga xe lửa Sài Gòn nằm ở đầu đường Lê Lai bây giờ, gần khách sạn Saigon New World. Từ Sài Gòn đi Mỹ Tho, ga thứ nhất gọi là Chợ Lớn Mới, nằm bên hông chợ An Đông. Kế đến là ga Chợ Lớn trên đường Hùng Vương, gần mấy bồn nước sơn màu đen hiện giờ vẫn còn. Các ga tiếp theo là Phú Lâm, Cây Mai, Bình Chánh, Gò Đen, Tân An, Tân Hương, Ông Táo, Tân Hiệp, Trung Lương và Mỹ Tho.
Cũng theo bác Tân Văn Công thì đầu tiên xe lửa chạy bằng hơi nước. Từ Sài Gòn về Mỹ Tho đường rầy xe lửa chủ yếu nằm phía trái, thỉnh thoảng có đoạn nằm bên phải của quốc lộ 1 bây giờ, xưa gọi là đường Cái Quan, lộ Đông Dương, sau đổi lại là quốc lộ 4. Hồi đó ở đoạn Bình Chánh có xảy ra vụ tai nạn lớn nhất thời bấy giờ, làm thiệt mạng gần 20 người, do chiếc xe đò Hữu Lợi chạy vào đường rầy khi xe lửa đang băng qua, dù ở 2 đầu đã có rào cản, khiến báo chí nói cả tháng trời. Đến khoảng thập niên 1930 thì xe lửa chuyển sang chạy bằng dầu diesel, còn gọi là Autorail. Sự khác biệt của Autorail là thiết kế đẹp hơn, tốc độ nhanh hơn, tiếng ồn nhiều hơn, toa khách có cửa sổ nhìn ra bên ngoài, tiếng còi kêu “hoét, hoét”, trong khi xe lửa chạy bằng hơi nước thì tiếng còi kêu “pin, pin”. Đầu tiên xe lửa chỉ có ghế ngồi bằng băng gỗ, xếp dọc theo 2 bên thành xe. Tuyến đường xa thì có hạng nhất, hạng nhì, có phòng riêng, bên trong có 2 tầng và giá vé cũng mắc tiền hơn. Riêng tuyến Sài Gòn-Mỹ Tho thì chỉ có một hạng thường, do đoạn đường ngắn.
Dù đường Sài Gòn-Mỹ Tho dài chỉ 70 cây số nhưng ngày xưa đi bằng xe lửa cũng mất chừng 2 tiếng rưỡi. Vì chỉ có một đường rầy duy nhất nên tới ga chót Mỹ Tho, muốn trở đầu để chạy trở lại Sài Gòn thì xe lửa phải... thụt lùi chừng 2 cây số từ vườn hoa Lạc Hồng theo đường Lý Thường Kiệt bây giờ, ra ngoài đồng thì có đường vòng cung. Tại đây đầu xe lửa tách ra khỏi toa rồi chạy vào một đoạn đường rầy khác để nối vào đuôi toa xe lửa và lại chạy thụt lùi trở về nhà ga Mỹ Tho để đầu xe lửa quay về hướng Sài Gòn.
Bác Tân Văn Công kể :“Hồi nhỏ, vào những buổi chiều tôi hay nhảy theo xe lửa chạy ra ngoại ô để trở đầu. Giếng nước Mỹ Tho hiện giờ chia làm 2 cũng vì hồi đó có đường xe lửa chạy ở giữa.”
Chính xác đường xe lửa Sài Gòn-Mỹ Tho ngừng hoạt động vào năm nào thì bác Tân Văn Công nói mình không nhớ rõ lắm. Bác chỉ nhớ “vào thời ông Diệm, khoảng năm 1959 tôi vẫn còn đi xe lửa Sài Gòn-Mỹ Tho.” Bác Công kể tiếp :“Nhớ hồi học xong tiểu học và thi vào lớp đệ thất trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu, thầy cho bài luận văn bằng tiếng Pháp và yêu cầu “Trò hãy tả người nhổ răng dạo trên toa xe lửa” mới thấy ảnh hưởng của xe lửa thời bấy giờ. Hồi đó Trường Nguyễn Đình Chiểu mỗi năm chỉ tuyển 200 học sinh cho cả vùng lục tỉnh, còn khó hơn thi đại học bây giờ. Lần đó tôi bị rớt nên phải lên Sài Gòn học ở trường tư thục Đồng Nai, đường Bùi Thị Xuân và ở nội trú trong trường. Lúc đó phát xít Nhật đã qua, ban đêm sợ đồng minh ném bom nên hầu hết trường học trong nội thành đều phải tản cư ra vùng Chợ Lớn. Thường buổi chiều không biết làm gì, bọn học trò nội trú lấy đá xanh để vào đường rầy cho xe lửa chạy ngang cán xẹt lửa coi chơi.”
Vì sao ga xe lửa Mỹ Tho xưa lại nổi tiếng trong thời Pháp thuộc? Theo bác Tân Văn Công, vì đây là ga chót nối với các tuyến thủy bộ xuống Nam Kỳ lục tỉnh và hồi đó, sau Sài Gòn thì Mỹ Tho là một trong 3 tỉnh lớn nhất vùng. Có 2 quyển sách viết bằng tiếng Pháp nói về ga xe lửa Mỹ Tho mà bác Công được đọc. Quyển thứ nhất là của một nhà văn Pháp, từng là lính hải quân, có qua Đông Dương và đi xe lửa tới Mỹ Tho để đi tàu xuống lục tỉnh, đã mô tả ga xe lửa Mỹ Tho mang dáng dấp giống như những ga xe lửa bên Pháp. Một quyển sách khác của tổng bí thư đảng cộng sản Pháp thời đó mà bác Tân Văn Công không nhớ rõ tên. Vị nầy sau khi sang VN về đã viết quyển Indochinois, chỉ trích chính sách kỳ thị dân tộc của thực dân Pháp thời bấy giờ. Theo mô tả thì tác giả đã đi cùng với nhà cách mạng Nguyễn An Ninh xuống ga Mỹ Tho, cùng Nguyễn An Ninh vào một bungalow (một dạng nhà trọ xưa) để ở nhưng bị từ chối vì nơi đó chỉ dành cho người Pháp và Âu châu. Chỉ một dân tộc Á châu được vào ở là Nhựt Bổn.
Nhà ga Mỹ Tho xưa kiến trúc theo kiểu Pháp, mái ngói, vách tường, cửa vòng nguyệt, có chỗ bán vé, chỗ khách ngồi chờ, có cân dùng để cân hành lý và ai chở nặng thì phải trả nhiều tiền. Ticket xe lửa hồi đó được làm bằng loại giấy rất dầy và cứng. Sau khi thu tiền, người bán vé đưa ticket vào máy đục lỗ và phát ra một tiếng kêu rất vui tai. Khi hành khách lên xe, người soát vé còn bấm ticket một lần nữa. Đường Sài Gòn-Mỹ Tho xưa mỗi ngày có 4-5 chuyến.
Chuyến đầu tiên đi Sài Gòn khởi hành khoảng 4 giờ sáng, phục vụ công chức nhà ở Mỹ Tho nhưng làm việc ở Sài Gòn. Bác Tân Văn Công kể có một người quen làm việc tại Mỹ Tho nhưng chiều nào cũng đi chuyến xe lửa chót lên ga Sài Gòn ở đường Lê Lai. Tại đây có một quán rượu và một người đẹp mà vị khách nầy thích nên cứ tới ngồi nhâm nhi cho tới sáng rồi đi chuyến xe lửa sớm nhất trở về Mỹ Tho. Mới hay, dù khoảng cách xa xôi, nhưng giao thông thuận tiện thì ngày xưa cũng không hề bị cách trở.