Năm 1945, cách mạng tháng
Tám thành công, ông lui về ở ẩn. Đầu năm 1946, sau khi tái chiếm Nam bộ, thực
dân Pháp, một lần nữa buộc ông làm cố vấn cho chính phủ bù nhìn thân Pháp
Nguyễn Văn Thinh. Vài tháng sau, chính phủ này đổ, ông lại lui về ở ẩn cho đến
lúc cuối đời. Về cuộc đời "ông quan" Hồ Văn Trung, người đời sau
thống nhất nhau ở một điểm: đây là ông quan thanh liêm, noi theo nếp sống thanh
bạch của người xưa và xem đó là chuẩn mực để hun đúc tinh thần đạo nghĩa phương
Đông.
Thế nhưng, nhân dân Nam
bộ lại biết ông với tư cách là nhà văn hơn là một viên chức của chính quyền
Pháp. Với bút danh là Hồ Biểu Chánh, ông đến với văn chương từ rất sớm. Năm
1910, ông viết truyện thơ đầu tay U tình lục, tiếp theo là 5 tác phẩm
nữa. Từ năm 1921-1941, ông cho ra đời 44 tác phẩm. Từ năm 1943-1945, ông sáng
tác sung mãn nhất: 48 tác phẩm gồm nhiều thể loại. Từ năm 1953-1958, ông cho
xuất bản 22 tác phẩm. Trong quãng đời cầm bút, ông đã để lại một khối lượng tác
phẩm đồ sộ, gồm: 64 tiểu thuyết, 3 truyện ngắn, 7 đoản thiên, 2 tập thơ, 5 hài
kịch, 4 vở Hát Bội, 3 vở cải lương, 5 tác phẩm tùy bút và phê bình, 6 tập hồi
ức, 8 bài diễn thuyết, 23 tác phẩm khảo cứu và văn học.
Có thể kể những tác phẩm
chính của ông, như: Ai làm được (1912), Chúa tàu Kim Quy (1922), Cay đắng
mùi đời, Tỉnh mộng, Một chữ tình (1923), Nhân tình ấm lạnh, Tiền bạc bạc tiền,
Ngọn cỏ gió đùa (1925), Thầy thông ngôn (1926), Cha con nghĩa nặng (1929), Nặng
gánh cang thường, Con nhà nghèo (1930), Con nhà giàu (1931), Nợ đời (1936),
v.v.. Tác phẩm của ông được nhiều thế hệ độc giả ở Nam bộ mến chuộng. Nhiều
quyển được tái bản nhiều lần và được dựng thành phim. Đi sâu phân tích tác phẩm
của ông, Tiến sĩ khoa học Lê Ngọc Trà viết:
"Cái độc đáo nhất và
giá trị nhất của tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh nhằm chủ yếu không phải ở chỗ nó mô
tả phong tục hay tuyên truyền đạo lí mà ở chỗ nó thông qua mô tả phong tục kết
hợp với tư tưởng là chủ nghĩa hiện thực. Chỉ riêng mô tả phong tục không thôi,
văn học dễ biến thành dân tộc học. Còn chỉ tuyên truyền đạo đức không thôi, văn
học sẽ thành luân lý. Vả lại, văn học đạo lý trước Hồ Biểu Chánh đã có Nguyễn
Đình Chiểu là người thành công trên lĩnh vực này. Cái mới và cái hay của Hồ
Biểu Chánh là ông nói đạo lý đi kèm với nói chuyện đời, kể lại những cảnh đời
khác nhau có thể là không gắn gì với các biến động chính trị, kinh tế, xã hội;
nhưng lại gắn chặt với đời người, lại là nội dung của đời sống hàng ngày".
Về sự nghiệp văn chương
của ông, Giáo sư Trần Văn Giàu đã phát biểu tổng kết tại Hội thảo về cuộc đời
và văn nghiệp của Hồ Biểu Chánh được tổ chức ở Tiền Giang trong hai ngày 17 và
18-11-1988 như sau: "Tôi thấy rằng, việc dạy văn Hồ Biểu Chánh được, từ
Đại học, cấp 3, cấp 2, nhất là cấp 1. Sách Hồ Biểu Chánh được nhân dân tán
thưởng, có nhiều lý do- không những tại văn ông hay mà còn ở chỗ cái văn không
phải là văn. Cái văn không văn đó mới hay. Hay ở chỗ, nói lại tiếng nói của
dân, cái tấm lòng của dân, còn hay ở chỗ đạo đức, luân lý. Ở trong sách của Hồ
Biểu Chánh có đạo đức luân lý Nho giáo, Phật giáo; mà đó là của dân tộc chúng
ta".
Nhìn chung, ông có những
đóng góp quan trọng vào nền văn học nước nhà, nhất là thời kì văn học đầu thế
kỉ XX. Tiến sĩ Hồ Sĩ Hiệp nhận định: "Tiếp thu kĩ thuật xây dựng tiểu
thuyết phương Tây, Hồ Biểu Chánh đã góp phần cách tân thể loại tiểu thuyết về
các mặt xây dựng cốt truyện, tình tiết, bố cục tác phẩm, tính cách, tâm lý nhân
vật cho đến ngôn ngữ văn chương. Cỗ xe chở tư tưởng là chữ quốc ngữ trước đó
nặng nề, ì ạch; đến đây đã được đẩy đi một cách nhẹ nhàng, phăng phăng lướt
trên những dặm đường văn học mới. Đó là công lao của anh phu xe tiền phong Hồ
Biểu Chánh".
Ngoài ra, ông còn làm
báo. Từ năm 1910-1941, ông là người sáng lập ra các tờ Đại Việt tạp chí,
Tribune Indigène (tạm dịch Diễn đàn Bản xứ), Quốc dân diễn đàn, Nam kì
tuần báo.
Ông mất năm 1958 tại quận
Phú Nhuận, Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh), thọ 73 tuổi. Lấy tên những
tác phẩm tiêu biểu của ông, hai nhà thơ Đông Hồ và Mộng Tuyết đã sáng tác hai
câu đối độc đáo đến viếng ông trong lễ tang:
Cay
đắng mùi đời, Con nhà nghèo, Con nhà giàu, tiểu thuyết viết sáu mươi ba thiên, Vì nghĩa vì tình, Ngọn cỏ gió đùa, Tỉnh mộng, mấy Ai làm được?
Cang
thường nặng gánh, cơn Khóc thầm, cơn Cười gượng, thanh cần trải bảy
mươi bốn tuổi, Thiệt gia gia thiệt,
Vườn văn xưa ghé mắt, Đoạn tình còn Ở theo thời.
NGUYỄN
PHÚC NGHIỆP